#spaging-container, #snumber-container { width: 100%; } .spage183 { display:none; } .sitem183 { padding: 3px; }

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Kyoto: chậm mà không chán (p2. khu vực trung tâm)

Về mặt địa lý, khu vực trung tâm Kyoto là một thung lũng được bao bọc bởi ba dãy núi Higashiyama, Kitayama, and Nishiyama. Kyoto không chủ trương phát triển theo mô hình siêu đô thị như các thành phố khác ở Nhật mà được quy hoạch trên nền tảng tôn trọng những không gian văn hóa tín ngưỡng, tiện ích cộng đồng song song với bảo vệ môi trường.  
Quất cái bản đồ paint-made cho nó máu ^^
  Công trình tôn giáo nổi bật trong khu vực này phải kể đến Nishi Honganji Higashi Honganji, cụm hai ngôi chùa anh em với khuôn viên cực kì rộng lớn nằm gần ga Kyoto. Ngôi chùa là công trình kiến trúc tiêu biểu của dòng phái Phật giáo Shin – phái có nhiều tông đồ nhất Nhật Bản hiện nay.
  Cách ga Kyoto khoảng 15 phút ngồi xe buýt là lâu đài Nijo, toà lâu đài nguy nga minh chứng cho sức mạnh của Mạc phủ Tokugawa, gia đình đã nắm quyền cai trị Nhật Bản trong thời kì Edo(1603-1868) khiến cho hoàng đế chỉ đứng đầu trên danh nghĩa trong thời gian này.
Đáng tiếc vì lý do thời gian có hạn nên mình chưa vào tham quan được hai địa điểm này, ai đó đi rồi quởn quởn viết review rồi tát mình cái hen! 
  
   Một địa danh không thể không nhắc đến là Hoàng cung Kyoto (Kyoto Gosho)
Thời kỳ Heian kéo dài gần 400 năm trong lịch sử Nhật Bản là thời kỳ các Thiên hoàng nắm giữ quyền lực tối cao, cũng là thời hoàng kim của của nghệ thuật, kiến trúc và thi ca Nhật. Hoàng cung Kyoto chính là một tuyệt tác mẫu mực của kiến trúc thời kì này và là biểu tượng của nghệ thuật ngự viên Nhật Bản.

   Hoàng cung được mở cửa cho phép tham quan miễn phí nhưng nhằm bảo vệ sự yên tĩnh và trang nghiêm của hoàng cung, du khách phải đăng ký trước qua website  http://sankan.kunaicho.go.jp/order/index_EN.html  hoặc trực tiếp tại cổng Seishomon. Mình đăng ký tour 10 giờ sáng nhưng tới điểm tập trung  muộn hơn 15 phút, mặt mũi đen thui vì lầm đường lộn trạm mà phải lội bộ hơn cả cây số mới tới được đây, định bụng năn nỉ nhân viên sắp xếp cho mình tour sau, ngờ đâu bác nhân viên gác cổng rất niềm nở hỏi mã số đăng kí rồi dẫn mình vào trong nhập đoàn tham quan luôn. Tour tham quan do một cô người Nhật hướng dẫn du khách đi loanh quanh phía ngoài các công trình kiến trúc chính của hoàng cung dưới sự giám sát của một anh/chú cảnh sát văn hóa. 
Sơ đồ hoàng cung Kyoto, góc bên phải là con dấu lưu niệm của hoàng cung với hình điện Shishinden.
  Khách tham quan sẽ  ra vào từ cổng Seishomon, nhưng cổng chính của hoàng cung là cổng Kenreimo hướng về phía nam. Theo lời hướng dẫn viên thì người Nhật quan niệm hướng nam là hướng may mắn, hướng của “chánh điện”, ngược lại phía bắc là hướng không may mắn nên khi xây dựng hoàng cung người ta đã xây khuýt một góc tường thành phía đông bắc và đặt ở đó một bức tượng để trấn yểm. Sau khi kết thúc chuyến tham quan mình có đi vòng ra phía góc tường bị khoét  nhưng chẳng thấy gì ở đó cả, có lẽ bức tượng được đặt phía bên trong để tiện việc thờ cúng.
Điện Shishinden

Chánh điện Shishinden được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn năm 1854. Đây là công trình quan trọng nhất trong quần thể Hoàng cung, là nơi tổ chức các buổi lễ, nghi thức quan trọng của hoàng gia. Toà điện uy nghiêm trầm mặc với kết cấu hoàn toàn bằng gỗ là nơi diễn ra lễ đăng cơ của hoàng đế Taisho và Showa. 
Phần mái, dầm của các công trình trong hoàng cung được trang trí bằng họa tiết hoa cúc 16 cánh, gia văn (Kamon) của hoàng gia Nhật Bản, là biểu tượng tôn nghiêm bậc nhất của đất nước mặt trời mọc
Một góc ngự viên
Anh cảnh sát văn hóa với nhiệm vụ “lùa vịt”. Du khách phải tuân thủ quy định bám sát đoàn tham quan, không được đi lại lung tung trong khuôn viên Hoàng cung.
Các cung điện và lầu tạ trong hoàng cung được nối với nhau bằng hệ thống trường lang tường trắng cột đỏ.
Nơi Thiên hoàng tiếp kiến quần thần
  Kết thúc 1 giờ tham quan, cảm giác của mình là buồn… ngủ, tour mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa lại không được sờ mó đụng chạm hỏi sao không buồn :”( Theo lẽ thường, hoàng cung ngoài chức năng chính là nơi cư ngụ của hoàng đế hơn nữa còn là nơi phô trương quyền lực và gia sản của vương triều vậy nên khi mô tả một hoàng cung nào đó người ta hay dùng những tính từ như nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm… Hoàng cung Kyoto có lẽ là một ví dụ cho sự ngoại lệ, tuy vẫn giữ được vẻ uy nghiêm trầm mặc nhưng chất “mộc” của các công trình làm mình có cảm giác đây là vương phủ của một gia tộc khá giả với nếp sống thanh tịnh hơn là cung điện của một vị Hoàng đế quyền uy tối thượng.
   Ra khỏi cổng Tây Hoàng cung hướng trạm Marutamachi, bạn sẽ thấy phía bên kia đường một nhà thờ với khuôn viên khiêm tốn nhưng kiến trúc khá ấn tượng xây theo kiểu Gothic bằng gạch đỏ. 
Nhà thờ St. Agnes Episcopal, Kyoto

   Được xây dựng từ năm 1898, St. Agnes Episcopal  là một trong những nhà thờ lâu đời nhất và là một trong số ít nhà thờ có giờ Thánh lễ bằng tiếng Anh ở Kyoto.
   Sẵn tiện tám thêm 1 chút về Kitô giáo ở Nhật Bản( sẽ nói về Phật giáo và Thần đạo ở phần chùa Kyomizu và đền Fushimi Inari). Theo chân các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha du nhập vào phía tây Nhật Bản từ năm 1542, Kitô giáo được một bộ phận người dân Nhật, thậm chí cả tầng lớp quý tộc đón nhận khá tích cực. Thế nhưng từ 1587, do lo ngại sự bành trướng quyền lực của chủ nghĩa thực dân và ảnh hưởng của Kitô giáo, lãnh chúa Hideyoshi đã ban hành lệnh cấm truyền bá Kitô giáo. Đến cuối thời kì Momoyama và suốt thời kì Edo, Kitô giáo bị cấm tuyệt đối, nhiều người theo đạo bị hành quyết để cảnh cáo, chỉ còn lại một số ít duy trì niềm tin tôn giáo của mình trong bí mật. Mãi hơn 200 năm sau, khi cuộc Canh tân Minh Trị diễn ra, quyền tự do tôn giáo được phục hồi, số người theo Kitô giáo ngày càng gia tăng và nhiều nhà thờ được xây dựng trên khắp nước Nhật. Ngày nay có hơn một triệu người Nhật(tức khoảng 1% dân số ) là tín đồ của Kitô giáo. Một số phong tục của Kitô giáo cũng trở nên phổ biến với cả những người không theo đạo như lễ Giáng Sinh và lễ Tình nhân ( Điểm này thì giống với đại đa số các nước Đông Á và Đông Nam Á, các thể loại hội hè ăn chơi lúc nào cũng được hưởng ứng nhiệt liệt ^^). 

   Cách nhà thờ St. Agnes Episcopal chỉ vài bước chân là đền Go-o, là một trong những nơi mình thích nhất ở Kyoto. Đền là nơi thờ phụng Wake no Kiyomaro, người đã ngăn chặn mưu đồ tranh đoạt ngôi báu của nhà sư Dokyo và cũng chính là người có công rất lớn trong việc đặt nền móng hình thành kinh đô Heian-kyo (Kyoto ngày nay). Bao quanh tường phía ngoài đền thờ là 24 bức tranh kể về câu chuyện của Wake no Kiyomaro và người chị gái của mình là Wake no Hiromushihime, bạn nào có nhã hứng tìm hiểu ý nghĩa của các bức tranh này có thể tham khảo link này: https://www.youtube.com/watch?v=RUweyz--qRA . Đại ý tương truyền rằng Wake no Kiyomaro vì ngăn cản âm mưu soán ngôi vương mà bị Dokyo bắt đi đày và bị ám sát trên đường đi, may mắn thay ông thoát nạn mà chỉ bị thương ở chân. Trên đường trốn chạy đến tỉnh Oita ngày nay, Kiyomaro bất ngờ được 300 con heo rừng bảo vệ, hộ tống ông đến nơi trú ẩn an toàn, vết thương của ông cũng được chữa khỏi một cách “ảo diệu”! Vậy nên linh vật của đền Go-o là heo rừng, hình tượng heo rừng được đặt khắp mọi nơi trong đền. Đặc biệt người dân Nhật Bản, kể cả vận động viên chuyên nghiệp thường đến đây để cầu mong có một đôi chân khỏe mạnh hoặc cầu cho chấn thương ở chân của mình sớm ngày hồi phục. Trong đền còn có 1 tảng đá in hình dấu chân tương truyền có tác dụng chữa lành vết thương ở chân, mình vì vô tình đến đền này, không tìm hiểu trước, tưởng mấy tảng đá để…chưng chơi nên không chụp hình lại, thấy có bác già già kia giẫm giẫm lên tảng đá rồi xá lạy khí thế, tưởng bác… quởn nên không để ý :”). Khuôn viên đền nhỏ xíu, rảo chừng 3 phút là hết , ngoại trừ 1 em VNese loi nhoi  góc này góc kia ngắm nghía, chụp choẹt là thuần tourist, còn lại khách đến đền đều là người Nhật với chủ tâm cầu khấn. Đền Go-o không phải là điểm must-see trên các trang web du lịch như tripadvisor hay japanguide… nhưng theo cá nhân mình lại thấy đây là một điểm đến khá thú vị, kiến trúc hài hòa, câu chuyện nền hay, khách tham quan không quá đông đúc, tìm hiểu được phần nào đời sống văn hóa tâm linh của người Nhật.
Trước đền, trên cửa ra vào, dưới mái dầm của đền có biểu tượng của Hoàng gia Nhật.Tương truyền bệ đá đặt giữa lối vào chính của đền sẽ mang lại may mắn cho người chạm vào nó. 

Khuôn viên đền Go-o
Khách đến đền cầu mong một đôi chân khỏe mạnh
“Nhân vật” chính của đền Go-o
   Sau khi thăm thú thành quách đền đài sẽ là tiết mục không kém phần quan trọng:đi ĂN!!!
  Chợ Nishiki ( Nishiki Ichiba): được mệnh danh là “nhà bếp của Kyoto”, khu chợ đông đúc và náo nhiệt này là nơi bạn có thể tìm mua mọi thứ liên quan đến lĩnh vực ăn uống, từ các loại thực phẩm tươi sống, các loại đặc sản của Nhật Bản như bánh kẹo, đồ khô, dưa món và cả sushi… cho đến dụng cụ làm bếp nồi niêu xoong chảo, đặc biệt dao bếp của Nhật nổi tiếng về độ bền và bén. Mình tới đây khoảng gần 6 giờ chiều, đúng cảnh “chợ chiều”, nhiều sạp hàng đã bắt đầu dọn dẹp, khách tham quan lác đác nhưng hàng quán ăn uống vẫn còn tấp nập kẻ ra người vào. 
   Từ chợ Nishiki rảo bước về phía sông Kamogawa bạn sẽ đến với một “gian bếp” khác của Kyoto: hẻm Pontocho. Con hẻm rộng chừng 1 mét này cực kỳ sôi động về đêm, hai bên  là các nhà hàng theo phong cách truyền thống Nhật Bản. Nói nào ngay nơi này không phải là chốn ưa thích của mình vì giá cả mắc lè lưỡi, một bữa ăn theo phong cách truyền thống bét nhất cũng gần 2000 yên, nhưng như mình đã đề cập, chuyện ăn uống ở Nhật cực kì đáng đồng tiền bát gạo,có điều kiện vẫn nên thử. Nhắc đến bữa ăn truyền thống Nhật Bản phải nhắc tới Kaiseki Ryori. Thông thường, một bữa Kaiseki Ryori sẽ bao gồm có cơm, cá, rau, nấm, rong biển, súp miso, đậu hũ… và được tuân theo 3 nguyên tắc cơ bản: sử dụng nguyên liệu theo mùa, nguyên liệu phải đặc biệt, từng món ăn phải thể hiện được sự tôn trọng và hiếu khách.
206 đồng Việt  đổi 1 yên Nhật, cứ thế mà nhân lên… ack!!!
Hẻm Pontocho buổi sớm tinh mơ
    Sau tất cả, mình lại mò về ga trung tâm Kyoto (Kyoto Eki), nơi an ủi cái bao tử đang eo éo kêu gào của mình :”) Khi tới đây lần đầu mình không khỏi bị ngộp trước nhà ga lớn thứ nhì Nhật Bản sau ga Nagoya, không chỉ với chức năng là đầu mối giao thông chính của thành phố, ga Kyoto là một khu phức hợp gồm trung tâm thương mại, khách sạn, rạp chiếu phim, toàn nhà văn phòng. Quan trọng nhất vẫn là khu ăn uống, muốn ăn gì cũng có, giá nào cũng có!Bên ngoài ga Kyoto, cùng phía với Aeon Mall có một quán ăn dạng chuỗi theo mình là ngon bổ rẻ. Cách gọi món của quán khá thú vị, thực khách sẽ xem menu, chọn món và thanh toán trực tiếp bằng máy tự động đặt tại cửa quán rồi vào quầy đưa hóa đơn cho nhân viên. Điều làm mình yêu nhất là quán có chia kích cỡ phần ăn thành to, nhỏ, trung bình, một phần ăn bình thường của người Nhật to vật vã khiến mình phải vật vã vô cùng để không phải bỏ mứa thức ăn !
Chân dung cái máy “thần thánh”
Cơm bò Katsudon size nhỏ 390 yên, kèm ly trà xanh thơm mát!
Một biểu tượng hiện đại giữa lòng thành phố cổ kính, đối diện ga Kyoto- tháp Kyoto cao 131 mét, được hoàn thành năm 1964, cùng năm khai trương tàu cao tốc Shinkansen.

1 nhận xét: