#spaging-container, #snumber-container { width: 100%; } .spage183 { display:none; } .sitem183 { padding: 3px; }

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Kyoto: chậm mà không chán (p1. mở đầu)

Ngay từ lúc làm lịch trình đi mình đã rất rất muốn ở Kyoto thêm một đêm nữa nhưng vì tiếc ngày nghỉ phép, lại thêm tính tham lam đèo bồng cả Nara và Osaka nên chỉ lưu lại đây 2 đêm. Bây giờ lại thấy hối hận vì quyết định đó, Kyoto thật sự xứng đáng để mình lăn lê chà lết ít nhất 3~4đêm thậm cả tuần cả tháng mới đã nư. Ai đi rồi có thể bảo trung tâm thành phố Kyoto nhỏ như thành phố Đà Nẵng của mình, chừng 2-3 ngày là hết chốn để đi. Vâng, Kyoto chẳng bao la rộng lớn cho lắm, mình cũng chẳng phải là nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng mà ý định thăm viếng hết 2000 đền chùa ở đây, nhưng đây thành phố duy nhất mình từng đi qua đem lại cho mình cảm giác sống chậm nhưng không hề buồn chán…
Đôi bờ sông Kamogawa, Kyoto


Quay ngược thời gian về năm 784, nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với nền chính trị đương thời, Thiên hoàng Kammu quyết định dời đô từ Heijo-kyo (Nara ngày nay), kinh đô thống nhất đầu tiên của Nhật Bản, đến Nagaoka-kyo (gần Kyoto ngày nay). Đến năm 794, Thiên hoàng lại dời đô từ Nagaoka-kyo đến Heian-kyo (nay là trung tâm cố đô Kyoto) chính thức mở ra thời kì Heian dài gần 400 năm trước khi đất nước Nhật Bản bước vào thời kỳ bị chi phối bởi chính quyền của tầng lớp võ sĩ hay còn gọi là chế độ Mạc phủ. Chế độ Mạc phủ kéo dài từ năm 1192 cho đến năm 1867 khiến triều đình Thiên hoàng chỉ làm bù nhìn và tồn tại trên danh nghĩa ( nói nôm na có thể liên tưởng Mạc phủ của Nhật Bản với các chúa Trịnh và chúa Nguyễn vào cuối thời nhà Lê trong lịch sử Việt Nam). Heian-kyo là là trung tâm chính trị và văn hóa của Nhật Bản trong hơn 1000 năm cho đến khi Thiên hoàng Meiji dời đô đến Tokyo vào năm 1869. 

Khi tìm hiểu thông tin lịch sử của cố đô Kyoto và từng công trình kiến trúc trong thành phố mình thật sự khâm phục tinh thần bất khuất của người dân Nhật Bản. Xuyên suốt qua nhiều thế kỷ, Kyoto bị tàn phá bởi các cuộc nội chiến và hỏa hoạn, nhưng gần như ngay sau đó những người đứng đầu thành phố và người dân đã bắt tay vào việc trùng tu hoặc xây dựng lại những thành quách đền đài từ đống tro tàn. Cố đô với hơn 1000 năm lịch sử  là nơi lưu giữ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng  cảnh, công trình kiến trúc , nghệ thuật nhiều hơn bất kì thành phố nào của Nhật hiện nay. Rồi, nếu bạn đang bắt đầu hình dung về một thành phố Kyoto nghìn năm tuổi tĩnh lặng và trầm mặc với bóng dáng một nàng Maiko e ấp dưới mái hiên gỗ thì bạn có 5 giây để… tưởng tượng lại, khi 5 giây đó kết thúc cũng là lúc bạn đang đứng giữa dòng tấp nập khách du lịch từ đủ mọi quốc tịch ngược xuôi trên khắp ngõ ngách phố cổ. Như một lẽ hiển nhiên, Kyoto là thủ đô tinh thần của người Nhật với các công trình văn hóa tín ngưỡng hàng trăm năm tuổi nên gần như là điểm đến chính của hầu hết tất cả các tour du lịch, bản thân người Nhật nào cũng muốn đến đây ít nhất một lần trong đời, mỗi năm thành phố với dân số khoảng 1,5 triệu dân đón hơn 50 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Sau giây phút “choáng ngợp” này, lần đầu tiên trong lịch sử đi bụi, mình thực hiện được quyết tâm… dậy sớm. Trời không phụ công con óc ráng mò ra khỏi chăn ấm nệm êm từ tờ mờ 7 giờ sáng, rảo bước qua  những góc phố vắng lặng buổi tinh mơ để có cảm giác như mình vừa bước ra từ cỗ máy thời gian của Doraemon để du hành về xứ sở Phù Tang của hàng trăm năm trước, một cảm giác bình yên đến lạ...

Về Kyoto mình không viết theo dạng lịch trình mà phân chia theo khu vực cho dễ hình dung: Khu vực trung tâm, phía đông, phía tây và phía nam Kyoto.

3 nhận xét: